LỊCH SỬ NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM 09/1
Đăng lúc: 22:47:50 09/01/2025 (GMT+7)
Cuộc tổng khởi nghĩa Tháng Tám năm 1945 của nhân dân ta dưới sự lãnh đạo của Đảng Cộng sản và Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại đã giành thắng lợi hoàn toàn. Đó là thành quả to lớn của cuộc đấu tranh lâu dài, đầy gian khổ, hy sinh, trong đó các tầng lớp thanh niên, học sinh, sinh viên có nhiều đóng góp xứng đáng, với biết bao tấm gương anh dũng, kiên cường đã được khắc ghi vào lịch sử dân tộc.
Sau cách mạng Tháng Tám, học sinh, sinh viên hăng hái học tập, rèn luyện và tham gia kháng chiến chống thực dân Pháp xâm lược, xung kích thực hiện ba nhiệm vụ lớn: Diệt giặc dốt, diệt giặc đói, diệt giặc ngoại xâm do Bác Hồ và Chính phủ đề ra.
Ngày 19-12-1946, hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, các tầng lớp nhân dân cả nước đứng lên chống thực dân Pháp xâm lược, bảo vệ nền Cộng hòa non trẻ. Trong những năm 1947-1950, phong trào đấu tranh của thanh niên, học sinh, sinh viên các đô thị diễn ra liên tục, rầm rộ và rộng khắp, nhất là Sài Gòn- Gia Định...
Các cuộc bãi khoá của học sinh, sinh viên Sài Gòn liên tiếp nổ ra, đưa ra các yêu sách: Chấm dứt khủng bố, đàn áp bắt bớ học sinh; trả tự do cho các học sinh bị bắt sau ngày chống bù nhìn Bảo Đại; bảo đảm an ninh và quyền lợi học tập của học sinh.
Giữa lúc ở Huế, Sài Gòn không khí tranh đấu đang sôi nổi, tại Hà Nội, học sinh cũng đang căm tức vì Pháp và bù nhìn bắt bớ một số anh chị em sau kỳ nghỉ học kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám. Học sinh Chu Văn An quyết định bãi khoá ngày 25/11/1949, trong các lớp trên tường la liệt khẩu hiệu. Toàn trường vang dậy những khẩu hiệu “học sinh bãi khoá”, “trả lại tự do cho bạn chúng ta”, “đả đảo bù nhìn”.
Ngày 9/1/1950, Thanh niên cứu quốc và Đoàn học sinh Sài Gòn –Chợ Lớn đã vận động và tổ chức cho hơn 2.000 học sinh, sinh viên các trường cùng nhiều giáo viên và 7.000 nhân dân Sài Gòn – Chợ Lớn biểu tình đòi đảm bảo an ninh cho học sinh, sinh viên học tập và trả tự do cho những học sinh, sinh viên bị bắt và mở lại trường học. Đoàn biểu tình đã bị đàn áp dã man. Cuộc đàn áp đẫm máu ngày 9/1/1950 và tinh thần chiến đấu hy sinh oanh liệt của anh Trần Văn Ơn- người thanh niên tiêu biểu cho lòng yêu nước và ý chí đấu tranh bất khuất của học sinh, sinh viên, sau khi đã dũng cảm hứng chịu những xô đẩy và dùi cui để che chở cho các em học sinh nhỏ tuổi hơn, anh đã bị trúng đạn. Anh hy sinh vào lúc 15 giờ 30 phút chiều ngày 09/01/1950 khi chưa tròn 19 tuổi. Thi thể anh Trần Văn Ơn được đưa về bệnh viện Chợ Rẫy, được lực lượng học sinh cùng các y, bác sĩ, công nhân ở bệnh viện túc trực canh bảo vệ không cho bọn địch phi tang. Tin Trần Văn Ơn mất đã ngay lập tức gây náo động trong giới học sinh sinh viên Sài Gòn, trở thành tâm điểm và đồng loạt các tờ báo lớn của Sài Gòn đã đưa tin.
Học sinh, sinh viên xuống đường biểu tình ngày 09/1/1950
Tại Sài Gòn, ngày 12/01/1950, đám tang anh Trần Văn Ơn đã biến thành cuộc biểu tình thị uy của trên 5 vạn người đứng trên các hè phố tiễn đưa anh. Trước linh cữu anh là hương án có 2 câu viết bằng máu của học sinh:
“Chết vì tổ quốc, chết mà vẫn sống,
Sống kiếp Việt gian, ô nhục muôn đời”.
Lễ tang anh Trần Văn Ơn cũng đã được cử hành trên khắp các tỉnh thành trong cả nước. Hàng triệu lượt học sinh, sinh viên và đồng bào các giới đã đeo băng tang truy điệu với lòng thương tiếc và xuống đường tuần hành bày tỏ ý chí căm thù giặc và ý chí đấu tranh kiên quyết chống thực dân Pháp xâm lược và bè lũ tay sai. Trong số đó, điếu văn của đại biểu các học sinh, sinh viên có đoạn: “Chúng ta sẽ không bao giờ quên được ngày 9 tháng 1- ngày mà anh Ơn và các bạn học sinh, sinh viên đã vui lòng đem xương máu, sinh mạng của mình đổi lấy tự do cho các bạn bị giam cầm. Tinh thần Trần Văn Ơn bất diệt!”
Đám tang anh Trần Văn Ơn
Với sự kiện lịch sử đó, noi gương và ghi nhận tinh thần đấu tranh bất khuất của anh Trần Văn Ơn và học sinh, sinh viên trong những ngày đầu kháng chiến, Đại hội toàn quốc Liên đoàn thanh niên Việt Nam lần thứ nhất tháng 2 năm 1950 tại Việt Bắc đã quyết định lấy ngày 9 tháng 01 hàng năm làm Ngày truyền thống học sinh – sinh viên. Đại hội đại biểu toàn quốc Hội Sinh viên Việt Nam lần thứ V (22-23/11/1993) tại Thủ đô Hà Nội đã quyết định đồng thời lấy ngày 9 tháng 01 làm Ngày truyền thống của Hội Sinh viên Việt Nam.
Tin bài khác
- LÊ CÔNG BỐ & KHỞI ĐỘNG DỰ ÁN KỸ NĂNG THÀNH CÔNG VỚI HSSV CÁC CƠ SỞ GDNN TỈNH THANH HOÁ GIAI ĐOẠN 2024-2026
- LỊCH SỬ NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM 09/1
- TUỔI TRẺ TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA VỚI CÁC HOẠT ĐỘNG HƯỚNG ĐẾN KỶ NIỆM 75 NGÀY TRUYỀN THỐNG HỌC SINH, SINH VIÊN VIỆT NAM
- TỔ CHỨC THÀNH CÔNG ĐẠI HỘI ĐIỂM CHI BỘ HỆ NGOẠI TRỰC THUỘC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC THÀNH CÔNG HỘI NGHỊ CÁN BỘ, VIÊN CHỨC NGƯỜI LAO ĐỘNG NĂM 2025
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢM BẢO AN NINH CHÍNH TRỊ VÀ TRẬT TỰ AN TOÀN NĂM 2024, TRIỂN KHAI NHIỆM VỤ NĂM 2025.
- TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HOÁ THAM GIA HỘI NGHỊ KHOA HỌC VÀ CÔNG NGHỆ TUỔI TRẺ NGÀNH Y TẾ LẦN THỨ XXII
- CHÀO MỪNG 80 NĂM NGÀY THÀNH LẬP QUÂN ĐỘI NHÂN DÂN VIỆT NAM (22/12/1944 – 22/12/2024) VÀ 35 NĂM NGÀY HỘI QUỐC PHÒNG TOÀN DÂN 22/12/2024
- CÁC CHI BỘ TRỰC THUỘC ĐẢNG BỘ TRƯỜNG CAO ĐẲNG Y TẾ THANH HÓA TỔ CHỨC HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC ĐẢNG NĂM 2024
- HỘI NGHỊ TỔNG KẾT CÔNG TÁC TUYỂN SINH NĂM 2024 VÀ XÂY DỰNG KẾ HOẠCH TUYỂN SINH NĂM 2025
Tin tức mới nhất
Ý kiến thăm dò
Ý kiến phản hồi Website
Truy cập
Hôm nay:
1
Hôm qua:
0
Tuần này:
1
Tháng này:
0
Tất cả:
10